Chương 1: Nơi mọi thứ bắt đầu
Vào những ngày đầu tiên thuở sơ khai, chưa có một “mô hình hệ thống” hay “architecture” nào tồn tại cả. Giang hồ lúc này mạnh ai nấy làm, bạn chỉ cần biết GoF Pattern thì có thể tự xưng bá một phương, là một “architect”, một lập trình viên dày dặn trong nghề.
Thời gian thắm thoắt thoi đưa, từ những cái máy tính to bằng cả cái phòng, từ những chiếc ổ cứng dày cộp chỉ chứa vài MB, công nghệ ngày càng phát triển, máy tính dần thu gọn hơn, ngày càng mạnh mẽ hơn, tiếp cận đến nhiều người hơn. Lúc này, yêu cầu của người dùng ngày càng tăng chóng mặt, khiến cho độ phức tạp của các phần mềm gia tăng.
Thứ đầu tiên những cao thủ trong ngành tạo ra là (Tách UI ra khỏi các logic bussiness), từ hình thái này, các mô hình MVC đầu tiên đã được ra đời:
Hiểu một cách đơn giản, hãy nghĩ đến ứng dụng Facebook và website Facebook. Liệu các câu lệnh như: lấy dữ liệu các bài viết người dùng mới nhất, lấy dữ liệu của 1 trang profile có khác biệt về mặt logic khi ở trên điện thoại hay trên web? Câu trả lời là không, điểm duy nhất khác biệt chỉ là UI hay View (phần hiển thị với người dùng)
Việc tách biệt UI ra khỏi Logic giúp ứng dụng modun hoá hơn, ta có thể dùng chung 1 logic, và khi cần hiển thị trên 1 sản phẩm khác: web, điện thoại, màn hình tivi, màn hình ô tô, … , ta chỉ cần nối phần UI của thiết bị đó với các logic đã chìa ra là được.
Nghe có vẻ như vấn đề đã được giảm bớt 1 chút. Nhưng chưa phải là tất cả, lúc này View có thể chỉ là vài tấm ảnh, một cái nút, Controller sẽ là người ở giữa trung chuyển các câu lệnh, và phần lớn logic bị dồn xuống Model, nơi thường xuyên phải lưu dữ liệu vào database, file, … hay nhìn chung là trực tiếp vào các “đối tượng” của chúng ta.
Chương 2: 2002 – N-Layered (Cấu trúc xếp chồng N tầng)
Một mô hình “lí tưởng” không tồn tại, cũng như mọi thứ, chúng đều là thành quả của nhiều lần thử nghiệm, và được rút kinh nghiệm rất nhiều lần.
Một lập trình viên đã tiên phong trong việc tạo ra một mô hình hệ thống, góp phần ảnh hưởng lớn đến rất nhiều thế hệ lập trình viên sau này tên là Martin Fowler.
Ông đã cho ra đời cuốn “Patterns of Enterprise Application Architecture” (Cách thực hiện một mô hình ứng dụng phục vụ cho doanh nghiệp), nơi mà ông đã nói về cấu trúc N-Layered
Ý tưởng khá đơn giản, ta sẽ phân loại và nhóm các phần code liên quan đến nhau lại thành “1 tầng”, khi đó ta sẽ có nhiều tầng xếp chồng lên nhau.
Tuy nhiên, Fowler cũng biết việc không nhất quán sẽ xảy ra nếu cứ mỗi ông lập trình viên lại xếp các tầng một cách vô tổ chức, ông đã thêm một số “quy tắc” nhỏ góp phần đồng bộ:
- Bạn có thể đặt tên một layer – tầng là gì cũng được
- Bạn có thể có bao nhiêu layer tuỳ thích
- Bạn có thể thêm một layer ở giữa các layer thường có
- Bạn có thể có nhiều thành phần trong 1 layer
- Quan trọng là: cần có một hệ thống cấp bậc rõ ràng giữa các layer, chúng nên gọi đến nhau theo từng cấp một.
Điều này đã giúp các ứng dụng giảm bớt các code trùng lặp, và cũng làm cho code có một cấu trúc rõ ràng.
Thông thường đa số ứng dụng chỉ cần 3 tầng là đã có thể phục vụ các nhu cầu cơ bản
- User Interface (UI) — chịu trách nhiệm tương tác với người dùng (giao diện)
- Business logic layer (BLL)— Xử lí các logic chính của hệ thống
- Data Access layer (DAL) — Là tầng giao tiếp với dữ liệu như database, …
- Bạn có thể thấy trong các video hướng dẫn làm các dự án backend bằng Spring Boot, người ta thường có một 1 tầng Service (Bussiness), sau đó mới gọi xuống tầng Repository (Data Access), nơi mà giao tiếp trực tiếp với database.
- Các tầng sẽ gọi đến nhau qua các interface, ví dụ: có một interface là OrderRepository phục vụ lấy dữ liệu từ db. Lúc này, tầng bussiness chỉ cần quan tâm sẽ thực hiện các giao thức lấy dữ liệu của interface này, còn logic thực sự ở tầng data access sẽ được ta viết từ các class implement interface trên.
- => Ví dụ: ta có 1 interface OrderRepository. ta có 2 class khác implement interface trên là OrderRepositoryImplMongo, OrderRepositoryImplMySQL. Do cả 2 cùng implement orderrepo, nên từ bussiness ta có thể dễ dàng lắp một class khác cho 1 database khác, thuận tiện cho việc xử lí. (Bạn có thể đọc thêm Dependency Injection)
Chương 3: 2003 – Domain Driven Design (DDD)
Tưởng chừng N-Layered đã có thể xử lí được các vấn đề hiện tại, tên tuổi của Fowler sẽ được ghi tên vào sử sách. Nhưng vào năm 2003, một anh tài trong giang hồ, một lập trình 46 tuổi đến từ Boston, Eric Evans đã công bố một cuốn sách “Domain-Driven Design: Tackling Complexity in the Heart of Software” (Domain Driven Design: Xử lí sự phức tạp cốt lõi của phần mềm). Cuốn sách đã khiến 1 anh chàng Martin nào đó trên thế giới phải cất poster và khóc.
Nhìn chung thì Evans vẫn đồng ý với đa số các ý tưởng của N-Layered, đó là sự kế thừa của hệ thống chỉ nên đi theo 1 hướng (các tầng gọi nhau lần lượt từ trên xuống dưới).
Tuy nhiên ông cho rằng, cũng không tệ lắm nếu một module bậc thấp (tầng bên dưới) có thể gọi lên module bậc cao ở tầng cao hơn. Miễn là nó không phá vỡ hướng đi kế thừa của hệ thống (dependency direction). Điều này có thể làm được bằng callback, hoặc một số design pattern như observer, ….
Ông cũng cho rằng, các Controller thường bị lắp quá nhiều logic, nên ông đã chuyển chúng sang 1 layer khác tên là Application. Ông cũng cho rằng tầng Bussiness logic nên được chú trọng nhiều hơn là tầng database (data access). Nhưng nhìn chung cấu trúc cũng không thay đổi nhiều lắm.
Ở cấu trúc của ông, một hệ thống được quy định như sau:
- Presentation Layer — tầng “trình bày”, tương tác với bên ngoài.
- Application Layer — Nhận và điều phối các yêu cầu, sau đó chuyển qua tầng Domain.
- Domain Layer — Chứa các chức năng chính của hệ thống.
- Infrastructure Layer — Xử lí dữ liệu (tương tự tầng data access)
Bạn có thể thấy ông đã đổi tên một số tầng tưởng chừng như có chung mục đích, nhưng chúng có nguyên do của nó. User Interface thường có ý nghĩa là bạn có một user người dùng nào đó, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi ta có một GUI (Graphical User Interface – Giao diện người dùng) cho users, nhưng cũng có thể là 1 CLI (Command Line Interface – Giao diện cmd) cho lập trình viên, hay có thể là API (Application Programming Interface) cho các ứng dụng khác gọi vào. Tầng Presentation thì sẽ “Generic” , chung chung hơn, bao quát hơn.
Business logic thì nghe có vẻ hơi trừu tượng cho đội lập trình viên, vì chúng ta thường không thiên về mảng kinh tế, vì vậy ông đã tạo ra 1 tên mới “Domain – miền”
Ở tầng dưới cùng, đôi lúc, ta không chỉ lưu dữ liệu vào ram, vào database hay đâu đó. Mà có thể ta muốn nó sẽ gọi đến chỗ khác, kiểu gửi 1 email, 1 tin nhắn zalo, … nên chúng được gộp chung thành tầng Infrastructure (Hạ tầng).
Nhìn chung là thế, một số sự thay đổi tên, thêm 1 layer mới, có một số phần khác đã được thêm vào tầng Domain. Và đó là DDD – Domain Driven Design.
Tham khảo: